ĐÁNH BẠI BURNOUT CUỐI NĂM, GIỮ VỮNG NĂNG LƯỢNG TRONG CÔNG VIỆC 

Càng đến cuối năm, áp lực công việc lại càng gia tăng, chúng ta phải đẩy mạnh năng suất để đạt chỉ tiêu đã đề ra. Bên cạnh công việc tại cơ quan, bạn còn gặp những căng thẳng trong đời sống cá nhân.

Những điều này kìm nén, dồn ép lâu ngày, khiến bạn dần không thể cân bằng được công việc và sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất. Điều này dẫn đến tình trạng ”burnout” trong công việc. Vậy làm cách nào để “đánh bại” được tình trạng đó? Hãy cùng Soft365 tìm hiểu nhé! 

Burnout là gì?  

Hội chứng burnout – hay dịch sang tiếng Việt là kiệt sức. Nó thể hiện trạng thái tinh thần và thể chất trong tình trạng căng thẳng quá mức do làm việc hoặc phải đối mặt với áp lực liên tục trong khoảng thời gian dài.  

Khi mắc phải hội chứng này, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, không còn động lực hay sự hứng thú trong công việc lẫn đời sống. Không những vậy, nó có thể ảnh hưởng đến mặt thể chất cũng như tinh thần của mỗi người. 

Tại sao nhiều người lại burnout vào dịp cuối năm? 

Một số nguyên nhân dẫn đến burnout dịp cuối năm là: 

  • Kỳ nghỉ và nghỉ lễ: nhiều người thấy áp lực vì phải hoàn thành công việc trước kỳ nghỉ, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Họ trở nên căng thẳng, dẫn đến làm việc thêm giờ để đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch. 
  • Gánh nặng công việc tích tụ: Trong suốt một năm, nhiều công việc có thể không được hoàn thành, tích tụ vào cuối năm. Đây là khoảng thời gian mà nhân viên phải làm nhiều việc cùng một lúc nên áp lực lại càng nhiều thêm.  
  • Sự chênh lệch giữa kỳ vọng và hiện thực: hầu hết nhân viên đều mong muốn có thể hoàn thành công việc trước khi năm cũ trôi qua. Tuy nhiên, nhiều người lại không thể thực hiện hết được, dẫn đến căng thẳng, tạo cảm giác thất bại cho nhân viên.  

Những dấu hiệu khi gặp hội chứng burnout: 

  • Hiệu suất công việc giảm: khi kiệt sức, mệt mỏi, nhân viên trở nên chậm chạp hơn, hiệu suất công việc giảm. Họ không còn làm việc hiệu quả như trước mà còn mắc nhiều sai sót.  
  • Thay đổi thái độ: Không chỉ trong công việc mà ở ngoài đời sống, khi kiệt quệ, chúng ta sẽ thường cáu kỉnh, dễ tức giận và mất kiên nhẫn. Thái độ tiêu cực này ảnh hưởng rất nhiều tới những người xung quanh mình. Ngoài ra, trong công việc, những người bị burnout cũng cảm thấy xa lánh và không muốn tương tác với đồng nghiệp.  
  • Mất hứng thú và động lực làm việc: Khi burnout, nhân viên sẽ mất đi thái độ quyết tâm và hứng thú trong việc, họ chán chường và làm việc không còn hiệu quả.  

Có thể thấy, burnout khiến nhân viên ảnh hưởng rất nhiều, nó còn có tính lây lan, ảnh hưởng đến tập thể. Nếu không có phương án khắc phục, người nhân viên đó có thể sẽ xin nghỉ việc, rời bỏ doanh nghiệp. Vì vậy, cần có những việc làm nhằm hỗ trợ nhân viên có thể vượt qua thời gian khó khăn này. 

Những cách giúp nhân viên vượt qua burnout: 

Điều chỉnh lại khối lượng công việc 

Đây có thể coi là hành động đầu tiên của các nhà lãnh đạo, quản lý để giúp nhân viên của mình giảm đi áp lực trong công việc. Như đã nhắc đến ở phía trên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng burnout chính là lượng công việc quá tải, gây áp lực cho nhân viên.  

Vì thế, các nhà lãnh đạo cần đảm bảo rằng mỗi nhân viên sẽ đảm nhận khối lượng công việc phù hợp, phân chia công việc công bằng. Từ đó, giảm stress cho nhân viên, giúp họ làm công việc hiệu quả hơn. 

Chú ý tới việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên 

Bên cạnh việc phân bổ công việc phù hợp, công ty cũng nên chú ý tới sức khoẻ tinh thần của cán bộ nhân viên tại công ty. Một số hoạt động chăm sóc sức khoẻ được đẩy mạnh nhằm giảm stress cho nhân viên.  

Soft365 đã xây dựng văn hoá tổ chức buổi Happy Hour vào mỗi thứ Sáu hàng tuần để giúp toàn bộ nhân viên tạm gác lại công việc sang một bên, và tận hưởng khoảng thời gian ngắn để nạp năng lượng, phục vụ cho những công việc tiếp theo.  

Đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân 

Mất cân bằng trong cuộc sống cũng như công việc cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng burnout. Vì thế, doanh nghiệp cần thúc đẩy sự linh hoạt của công việc bằng cách cấp phép cho nhân viên có thể làm việc từ xa (remote), hoặc sự linh hoạt thời gian làm việc.  

Như vậy, hội chứng “kiệt sức” này chủ yếu xuất phát từ áp lực công việc và căng thẳng kéo dài. Nó ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của nhân viên, từ cá nhân nó có thể lây lan ra một tập thể.

Vì thế, cần đặc biệt quan tâm, chú ý đến tinh thần của nhân viên, để nhanh chóng phát hiện ra dấu hiệu của burnout, để từ đó có những phương án trong công việc, tạo một môi trường làm việc lành mạnh trong doanh nghiệp.