Blog

Keep up to date with the latest news
nghien cuu cong ty

Nghiên cứu công ty

Một trong những câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường hay hỏi tới trong các buổi phỏng vấn là “Bạn hiểu gì về công ty chúng tôi?”  hay những câu hỏi liên quan đến vấn đề về công ty của chính họ. Việc tìm hiểu kỹ về công ty mà bạn đang ứng tuyển là rất quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ quan tâm đến công việc cũng như mong muốn được gắn bó với công ty thông qua câu hỏi này.

Hiện nay, mạng xã hội, internet đã trở thành công cụ hiệu quả giúp các ứng viên tìm hiểu về công ty mình đang ứng tuyển một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các công ty, nhất là những công ty có bề dày lâu năm và quy mô lớn, họ sẽ có rất nhiều thông tin, việc của bạn là phải chọn lọc, tìm được những keyword, những chủ đề chính của công ty đó, xác định được những nội dung bạn sẽ được hỏi đến trong buổi phỏng vấn.

1. Tìm hiểu về thế mạnh của công ty

Cách tốt nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn đã cố gắng tìm hiểu về công ty họ là nói về điểm nổi bật của công ty so với đối thủ cạnh tranh khác. May mắn thay, bạn có thể dễ dàng tìm được những thông tin đó thông qua chính website của họ.

Một cách khác, các công ty thường chia sẻ điểm khác biệt của họ thông qua các giá trị và sứ mệnh trong phần “About us”. Hãy đọc và phân tích thật cẩn thận nội dung này, bạn sẽ phát hiện ra điểm khác biệt giữa công ty mà bạn muốn ứng tuyển với các đối thủ của họ.

Xem lại kỹ nội dung này song song với những vấn đề cơ bản như quy mô công ty, lịch sử, địa điểm hoạt động. Bạn không muốn trở nên bối rối khi gặp phải những câu hỏi có thể có sẵn câu trả lời trên internet nữa chứ.

2. Đánh giá tình hình tài chính

Hầu hết những công ty với quy mô vừa và lớn, bạn có thể dễ dàng tìm kiêm và truy cập vào báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Nhưng thông tin này cần phải tốn nhiều công sức tìm kiếm hơn, thậm chí chúng còn không được công khai ở những nguồn tin lớn. Những thông tin bao gồm sản phẩm mới, rủi ro công ty, doanh thu công ty tăng trưởng hay giữ ở trong trạng thái ổn định.

Khi đã nắm được những thông tin mà bạn cần, hãy bắt đầu đánh giá và đưa ra nhận định của riêng mình. Tuy nhiên, đừng chủ động nói ra vấn đề này trừ khi bạn tự tin với ý kiến của mình và có đủ khả năng để đối đáp lại những câu hỏi liên quan được đặt ra. Nếu bạn thành công, bạn sẽ tạo được ấn tượng lớn đối với nhà tuyển dụng.

3. Tìm hiểu sự tương tác của công ty với cộng đồng

Trong quá trình ứng tuyển, hãy chú ý luôn cập nhật tình hình của công ty. Bên cạnh việc tìm kiếm trên google hãy thử chú ý vào các Blog trên trang chủ của chính công ty đó. Hãy đọc qua bất cứ tin tức gì, hay ít nhất là những tiêu đề việc chào đón nhân viên mới, hoặc cập nhật dòng sản phẩm mới, các tính năng mới trong dịch vụ của công ty.

Các trang mạng xã hội, đặc biệt là LinkedIn có thể trở thành công cụ hiệu quả để nắm bắt những thông tin mới. Những thông tin như sự kiện công ty tổ chức, những promotion hay tin tức về doanh số bán hàng của team sales vượt qua KPI. Những thông tin này sẽ giúp bạn tạo thêm các nội dung liên quan trong cuộc phỏng vấn. Quan trọng không kém, nếu bạn đang tìm hiểu thông tin trên LinkedIn, hãy dành chút thời gian tìm hiểu về các thành viên trong phòng ban mà bạn ứng tuyển, đó có thể là người trực tiếp hỏi bạn trong buổi phỏng vấn. Hãy chắc chắn rằng profile của bạn cũng được thiết lập để họ cũng có thể biết được bạn đã xem hồ sơ của họ. Điều nay nghe có chút không cần thiết nhưng nó có thể cho thấy mức độ quan tâm của bạn đối với công ty.

Hãy nhớ rằng, luôn hướng tới những thông tin tích cực thay vì đi sâu vào những thông tin xấu, những vấn đề mà công ty đang gặp phải. Bạn có thể đọc để hiểu qua phòng trường hợp khi hỏi tới. Nhưng đừng chủ động nói về những thông tin đó với nhà tuyển dụng.

4. Tìm hiểu đôi chút về văn hóa công ty

Đôi khi, bạn có thể cảm nhận được phần nào văn hóa công ty thông qua những bài blog hay những công cụ truyển thông khác. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng được chính xác hình ảnh của công ty, hãy tìm hiểu thông tin từ những nguồn bên ngoài. Bạn sẽ không chỉ biết được nững thông tin tích cực mà còn biết được những vấn đề trong công ty.

Thông tin này bạn sẽ không dùng để đề cập đến trong buổi phỏng vấn, nhưng nó sẽ giúp bạn biết được phần nào điểm đặc biệt của tổ chức đó và những nội dung bạn nên tránh nhắc đến trong quá trình phỏng vấn. (Ví dụ: vấn đề về cân bằng giữa công việc và cuộc sống là vấn đề tương đối nhạy cảm, bạn nên đề cập đến vấn đề đó sau khi bạn tiếp nhận công việc)

5. Đọc kỹ về lĩnh vực hoạt động và đối thủ cạnh tranh

Bên cạnh việc nắm thông tin về nơi mà bạn phỏng vấn, thật tuyệt với hơn khi bạn có thể nói về những vấn đề xung quanh lĩnh vực mà công ty đang hoạt động hay thậm chí là cả về đối thủ của họ, tại sao họ có thể đứng vững trong một bức tranh lớn đến như vậy.

Bạn có thể tìm kiếm đối thủ bằng cách truy cập vào trang LinkedIn của công ty, kéo xuống phần “ Các công ty khác mà mọi người đã xem – Other Companies People Viewed”. Một vài công ty đối thủ cũng nằm ở đó. Làm tương tự với những đối thủ cho đến khi bạn cảm thấy mình đã nắm rõ được những người chơi trong cuộc chiến này.

 

Áp dụng những bước này với những công ty khác mà bạn phỏng vấn. Chú ý, hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh, đừng đi sâu vào chi tiết của từng dự án cụ thể. Vì như thế, bạn sẽ có thể bị ngợp trước thông tin, hoang mang, lo lắng trước khi buổi phỏng vấn diễn ra.

Sau tất cả những nghiên cứu, bạn có thể tự hỏi “ Tại sao mình phải làm những việc này?”. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của bạn là thuyết phục nhà tuyển dụng một điều “ Bạn thực sự muốn làm việc tại đây”.  Để chứng tỏ được điều này, hãy nói về những lợi thế cạnh tranh của công ty, điểm đặc biệt mà họ khác với đối thủ, đưa họ thấy sự nhiệt huyết của bạn với công ty thông qua những hiểu biết của bạn. Những điều này là một phần quan trọng tạo nên thành công của buổi phỏng vấn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *