Phỏng vấn cho vị trí thực tập sinh là cơ hội quan trọng để bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng, thể hiện tiềm năng và sự sẵn sàng học hỏi của mình.
Dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, bạn vẫn có thể tạo ấn tượng tốt nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ chuyên nghiệp. Vậy, những lưu ý nào sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước vào buổi phỏng vấn? Hãy cùng tìm hiểu ngay ở bài viết sau đây!
![](https://tuyendung.soft365.vn/wp-content/uploads/2025/02/image-2-1024x576.png)
Nên tìm hiểu kỹ về công việc đang phỏng vấn
Trước khi bước vào buổi phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu kỹ về công việc mà mình ứng tuyển. Hãy đọc kỹ mô tả công việc, xác định những kỹ năng và yêu cầu mà nhà tuyển dụng mong đợi.
Hãy suy nghĩ rằng, để làm tốt công việc này thì bản thân cần có kỹ năng gì. Đa số các bạn đều mơ hồ về tính chất công việc, thành ra các câu hỏi sâu hơn sẽ làm khó cho các bạn.
Tốt nhất, hãy tìm những người đã có kinh nghiệm, sau đó nhờ họ giải thích công việc cho dễ hiểu hơn.
Tìm cách kết nối những việc cũ mình làm với việc đang phỏng vấn
Các bạn không có kinh nghiệm cũng không sao cả, nhưng việc tìm ra “sợi dây” kết nối này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao tư duy của bạn.
Hãy suy nghĩ về những kỹ năng bạn đã rèn luyện từ các công việc part-time, dự án học tập hay hoạt động ngoại khóa, sau đó liên hệ chúng theo yêu cầu công việc.
Ví dụ, bạn làm sale nhưng phỏng vấn vị trí content, bạn có thể nói là khi làm sale, bạn cũng được học về sản phẩm và tư vấn cho khách hàng. Làm content vẫn là viết bài cho khách hàng nên em nghĩ em sẽ dễ dàng hiểu tâm lý khách và cho ra những bài viết phù hợp, thực tế hơn…
Khi được nhà tuyển dụng hỏi, hãy trả lời thẳng vào vấn đề, đừng lan man
Khi được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi, hãy trả lời ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm. Tránh lan man hoặc kể quá dài dòng, vì điều đó có thể khiến bạn mất điểm.
Hãy tập trung vào nội dung chính, sử dụng ví dụ cụ thể để minh họa nếu cần. Nếu câu hỏi yêu cầu giải thích thêm, bạn có thể mở rộng nhưng vẫn đảm bảo súc tích và dễ hiểu. Cách trả lời mạch lạc không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Ví dụ, nhà tuyển dụng hỏi về kỳ vọng của bạn khi vào công ty, hãy bắt đầu trả lời bằng cách: “Có 3 điều mà em rất kỳ vọng khi vào môi trường mới…”
Lương thưởng là quyền lợi cơ bản, đừng ngại hỏi
Lương thưởng là quyền lợi cơ bản của mỗi ứng viên, ngay cả khi bạn ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh. Đừng ngại hỏi về mức hỗ trợ, chế độ đãi ngộ hay cơ hội phát triển khi được nhà tuyển dụng đề cập.
Việc đặt câu hỏi về vấn đề này một cách khéo léo thể hiện bạn nghiêm túc quan tâm đến công việc và biết trân trọng giá trị của bản thân.
Tuy nhiên, hãy lựa chọn thời điểm phù hợp để đảm bảo cuộc trao đổi diễn ra tự nhiên và chuyên nghiệp.
Hỏi về lộ trình của vị trí thực tập sinh
Khi phỏng vấn vị trí thực tập sinh, bạn nên hỏi về lộ trình phát triển để hiểu rõ cơ hội học hỏi và thăng tiến trong công ty. Bạn có thể đặt câu hỏi như: “Chương trình thực tập này kéo dài bao lâu, và liệu có cơ hội trở thành nhân viên chính thức không?”
Hoặc “Công ty có hỗ trợ đào tạo hay định hướng phát triển cho thực tập sinh không?”.
Điều này thể hiện sự nghiêm túc với công việc và mong muốn gắn bó lâu dài, đồng thời giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp của vị trí với định hướng cá nhân.
Có thể hỏi thêm nhà tuyển dụng về chân dung ứng viên mà họ cần tìm
Điều này không chỉ giúp bạn xác định mức độ phù hợp của bản thân mà còn thể hiện sự chủ động và mong muốn đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc. Một câu hỏi đơn giản như “Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những tố chất hoặc kỹ năng mà công ty đánh giá cao ở ứng viên cho vị trí này không?” sẽ giúp bạn có thêm thông tin để điều chỉnh cách trình bày và gây ấn tượng tốt hơn trong buổi phỏng vấn.
Nói chung là những gì mà bạn quan tâm thì nên chuẩn bị trước câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng, đừng vì mình là thực tập sinh mà ngại hỏi.